Ngoài tác dụng điều chỉnh ánh sáng cho căn phòng, rèm cửa còn giữ ấm cho căn phòng khi mùa đông đến, hạn chế cái nóng của mùa hè, bụi và tiếng ồn bên ngoài. Không chỉ có thế, với kiểu dáng và màu sắc thích hợp, rèm cửa còn có thể tạo khoảng không riêng tư hoặc thêm chút vẻ đẹp sang trọng hay lãng mạn cho căn phòng.
Chiếc rèm cửa không chỉ đơn giản là vật chắn sáng hay tạo khoảng không riêng tư, nó còn tạo cho mỗi căn phòng một ấn tượng và cảm xúc khác nhau, tùy theo cách chọn lựa của chủ nhân.
Có rất nhiều loại rèm khác nhau như rèm vén, rèm roman (hay còn gọi là rèm xếp lớp), rèm cuốn, rèm lá,... Bạn cũng có thể dùng rèm trúc, rèm kim loại nhẹ, rèm bằng nhựa tổng hợp hay rèm giấy để trang trí nhà cửa. Tuy nhiên, loại rèm phổ biến vẫn là rèm vải vì tính năng dễ giặt tẩy, dễ lắp đặt, màu và kiểu phong phú, hợp với nhiều phong cách nội thất.
Chất liệu
Loại vải bóng mượt, mềm mịn đem lại vẻ sang trọng như nhung, gấm, đũi, lụa, voan... thường một màu hoặc mang hoa văn, hoạ tiết chìm, trang nhã, hợp với phòng khách. Những loại vải bề mặt thô ráp cho cảm giác thân mật, gần gũi thiên nhiên lại kén phong cách bài trí như vải bạt, bố, thô, thổ cẩm... chỉ nên sử dụng trong phòng bày đồ đạc mây, tre, gỗ mộc, thảm lông thú. Vải bông, lanh có nhiều màu hoa văn, hợp với nội thất bình thường, nhất là phòng trẻ em, phòng ăn, phòng giải trí...
Rèm mùa hè thường là những loại rèm có chất liệu nhẹ nhàng như: vải thô mỏng, voan, lụa, lanh... còn rèm mùa đông lại cần tạo sự ấm áp, nên chất liệu chủ yếu là nhung, gấm, thô dầy và thổ cẩm.
Màu sắc rèm cửa:
Khi sử dụng rèm cho 1 phòng, bạn nên chú ý đến kích thước của căn phòng đó. Nếu khung cửa rộng, nhiều ánh sáng thì nên chọn rèm màu tối, sẫm. Nếu phòng hẹp và ánh sáng không đủ, màu rèm sáng sẽ làm phòng sinh động hơn.
Những màu sắc có thể tương thích với nhiều vị trí cửa và diện tích phòng nhất là mùa hè thường là: xanh dương, hồng, kem hoặc xanh lá nhạt. Những màu vải này cũng rất ăn ý khi kết hợp với voan, ren trắng để tạo thành rèm cửa 2 lớp. Vải kẻ sọc hoặc in hoa tạo cảm giác nhẹ nhàng vui mắt, mát mẻ nhưng chỉ hợp với phòng bài trí hiện đại và không gian thoáng rộng. rèm nhiều màu không tạo cảm giác sang trọng.
Bạn không nên dùng rèm sáng màu cho loại rèm mùa đông bởi nó sẽ gây cảm giác lạnh lẽo, không ấm áp. Những gam trầm của rèm mùa đông như: kem đậm, sôcôla, đỏ Bourdaux, xanh lá cây đậm.... sẽ khiến cho căn phòng nhà bạn ấm áp và gần gũi hơn.
Dây buộc:
Dây buộc rèm có thể là sợi dây tua, ruy băng, dây bện hay tết dạng thừng, một chuỗi vỏ ốc (sò)... Hãy lưu ý tạo điểm nhấn khi làm dây buộc cho rèm cửa. rèm nặng bằng chất liệu dày và tối màu thì dây buộc nên đơn giản, trơn, thanh mảnh. Nếu chất liệu rèm mỏng nhẹ, rèm chỉ 1 lớp và ít nếp gấp thì dây buộc cần to bản hoặc cầu kỳ với núm tua, nơ hay chuỗi hạt trang trí.
Bạn cũng có thể dùng dây buộc bằng sợi vải cùng chất liệu với rèm cửa. Việc tạo ấn tượng tuỳ thuộc độ rộng bản và sự đồng chiều hay ngược chiều của hoa văn.
Kiểu dáng
Có rất nhiều kiểu dáng rèm khác nhau. Nếu là người thích đơn giản, bạn có thể chọn kiểu rèm không có yếm, chỉ có móc vải hoặc móc nhựa xâu vào thanh kéo rèm. Dưới đây là một số mẫu để các bạn tham khảo:
Cách tính diện tích vải để may rèm cửa
Hãy đo độ dài của thanh kéo rèm, thường thì thanh ngang bằng sắt/gỗ này có độ dài bằng chiều ngang cửa cộng với 30cm. Trung bình, chiều ngang rèm vải may rèm gấp 2 - 2,5 lần độ dài thanh kéo. Vải nặng, dày và màu tối như nhung, gấm, nỉ... không nhất thiết phải xếp nếp nhiều, chiều ngang vải có thể chỉ gấp 2 lần nhưng với loại vải mỏng, nhẹ, sáng màu (voan, đăng ten, lụa) thì độ rộng gấp 3 - 3,5 lần chiều dài thanh kéo. Độ dài rèm phụ thuộc kích thước cửa. Nếu càng rộng, rèm càng nên may dài hoặc chạm sàn nhà.
Cửa sổ vuông, nhỏ thì nên kết thúc cách ngưỡng cửa sổ từ 1 - 10cm; cửa hình chữ nhật ngang, rộng vừa phải hợp với lớp rèm dài quá ngưỡng 20 - 50cm; cửa ra vào và khung cửa sổ chiếm toàn bộ diện tích tường rèm cửa thì rèm kéo nên gần chạm sàn, thường cách sàn từ 2,5-10cm.